Chi tiết điều chỉnh 12 phân vùng trong Quy hoạch Phú Quốc đến năm 2040

Last modified date

Chi tiết điều chỉnh 12 phân vùng trong Quy hoạch Phú Quốc đến năm 2040

*Lưu ý: Hiện tại quy hoạch Phú Quốc đến năm 2040 đã được công bố do đó nội dung bài viết dưới đây có sự thay đổi. Các bạn chỉ sử dụng với mục đích tham khảo. Xin cảm ơn:

Phân vùng phát triển dựa theo các đặc điểm cảnh quan sinh thái tự nhiên, đặc điểm địa hình và các điều kiện hiện trạng khác, để tận dụng các tiềm năng và cơ hội của mỗi khu vực đặc trưng trong khu vực lập quy hoạch, tạo điều kiện để TP. Phú Quốc phát triển năng động, hiệu quả và có bản sắc về kinh tế – xã hội – cảnh quan, thực hiện tốt các chiến lược phát triển đã xác định và đặc biệt là để tạo thuận lợi cho quá trình quản lý phát triển theo quy hoạch.

Cụ thể bao gồm các khu vực như sau:

Phân khu 1: Khu vực Dương Đông
Phân khu 2: Khu vực Bãi Trường
Phân khu 3: Khu vực Bãi Ông Lang – Cửa Cạn Phân khu 4: Khu vực Bãi Vòng

Phân khu 5: Khu vực Bãi Sao

Phân khu 6: Khu vực An Thới

Khu vực 7: Khu vực Vịnh Đầm

Phân khu 8: Khu vực Bãi Khem và Mũi Ông Đội

Phân khu 9: Khu vực vực ven biển phía Đông Bắc đảo

Phân khu 10: Khu vực ven buển Phía Bắc đảo

Phân khu 11: Khu vực ven biển phía Tây Bắc đảo

Phân khu 12: Khu vực quần đảo Nam An Thới

Định hướng phát triển đối với từng khu vực đặc trưng

Phân khu 1: Khu vực Dương Đông

Vị trí: thuộc phường Dương Đông và một phần khu vực xã Cửa Dương, Dương Tơ và hồ Dương Đông, được giới hạn bởi:

– Phía Bắc và phía Đông giáp xã Cửa Dương

–  Phía Nam giáp xã Dương Tơ

–  Phía Tây giáp biển.

Tính chất: Trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, thể dục thể thao thành phố Phú Quốc; trung tâm đô thị du lịch và thương mại, khu đô thị – du lịch hỗn hợp chính

Định hướng phát triển

– Phát triển khu trung tâm đô thị du lịch và thương mại tài chính mới, hiện đại (không khống chế chiều cao xây dựng), tại khu vực sân bay cũ và khu vực ven biển.

– Cải tạo, hình thành dải không gian công cộng và tuyến phố trung tâm dọc theo sông Dương Đông. Hạn chế bố trí đường cơ giới đi sát sông, ưu tiên quy hoạch không gian công cộng ven sông rồi đến dãy phố dịch vụ, rồi mới đến đường giao thông cơ giới.

– Đối với khu vực trước đây dự kiến xây dựng hồ Dương Đông 2 (nằm ở góc Đông Nam của Sân bay cũ) và các khu chức năng đô thị lân cận: tổ chức khu đô thị lấy cảnh quan mặt nước trung tâm, tạo ra khu đô thị mới có cấu trúc độc đáo, thuận lợi cho người dân và du khách tiếp cận để thưởng ngoạn cảnh quan công viên/mặt nước và sử dụng dịch vụ – có sức hấp dẫn lớn với du khách, nằm kề cận khu trung tâm đô thị cũ – có giá trị như trung tâm đô thị mở rộng, lan tỏa từ khu trung tâm cũ nhưng có giá trị cảnh quan và chất lượng đô thị, cũng như giá trị kinh tế đô thị cao hơn. Trong đó, giữ lại cấu trúc sông gắn với cảnh quan cây xanh và đô thị ven sông và bổ sung mặt nước, công viên và không gian công cộng cho các phân khu đô thị kết nối với hệ thống mặt nước chính này.

– Khu trung tâm đô thị ven biển là các khu vực có giá trị cảnh quan và kinh tế đô thị cao, khuyến khích hệ số sử dụng đất cao hơn và phải duy trì là cấu trúc đô thị mở, gắn với công viên công cộng ven biển; sử dụng đa chức năng, bao gồm nhà ở, trong đó, khuyến khích phát triển dịch vụ.

– Khu đô thị ven biển phía Nam phường Dương Đông: Bao gồm các khu cải tạo, nâng cấp trên cơ sở các cấu trúc không gian hiện hữu và các khu vực phát triển mới.

– Khu công viên văn hóa – TDTT và Trung tâm hành chính, tuy vẫn tương đối tập trung, nhưng cần đan xen với các khu đô thị để không tạo sự chia cắt trong đô thị và hạn chế tác động đến giao thông.

– Phát triển một số khu đô thị du lịch trên triền đồi/núi để khai thác tầm nhìn hướng biển và hướng về vùng đô thị trung tâm.

– Duy trì, cải tạo, chỉnh trang một số khu dân cư hiện hữu, hạn chế quy mô di dời dân cư ở mức tối thiểu. Bổ sung các chức năng xây dựng mới và tổ chức các điểm quảng trường và không gian công cộng ven sông và ven biển.

– Điều chỉnh một số đường giao thông phù hợp với địa hình và điều kiện hiện trạng.

– Giảm bớt quy mô đô thị tập trung tại khu vực phía Đông đường tránh, giữ lại không gian sinh thái nông nghiệp đô thị để phát triển đô thị gắn với sinh thái nông nghiệp.

Phân khu 2: Khu vực Bãi Trường

Vị trí: thuộc ranh giới hành chính xã Dương Tơ, phía nam giáp ranh với phường An Thới và có giới hạn đất đai như sau:

–  Phía Bắc : giáp với Sân bay Quốc tế Phú Quốc.

–  Phía Đông giới hạn bởi Đường Nguyễn Văn Cừ

–  Phía Tây giáp: giáp bờ biển Bãi Trường (Từ Bắc bãi trường đến mũi Tào Rũ).

–  Phía Nam giáp phường An thới

Tính chất: Là khu đô thị – du lịch hỗn hợp chính, trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí.

Định hướng phát triển Khu vực phía Tây đường tỉnh 975: – Tổ chức dải công viên, quảng trường công cộng ven biển và các trục cảnh quan, không gian công cộng kết nối khu vực ven biển và khu vực núi phía Đông; Dải công viên, quảng trường, không gian mở công cộng ven biển được tổ chức theo hình thức

đường đi bộ hoặc đi xe đạp, tiếp cận với bờ biển, dải cây xanh, quảng trường biển, các dịch vụ bãi biển.

– Tổ chức hệ thống nước trên cơ sở cải tạo và phát huy hệ thống mạch trũng và suối hiện trạng, tạo thành dải hồ cảnh quan trong lòng khu đô thị và hỗ trợ thoát nước, kết hợp các hoạt động giải trí, nghỉ ngơi ven hồ. Bề rộng của mạch nước phải đảm bảo tối thiểu 20m.

– Bổ sung các khu chức năng xây dựng đan xen vào quỹ đất trước đây xác định là công viên dọc theo phía Tây đường tỉnh 975, để tạo sự sinh động, giá trị kinh tế đô thị và hiệu quả sử dụng đất cho khu vực này. Tuy nhiên, không gian cây xanh công viên tiếp giáp tuyến đường phải đảm bảo còn lại tối thiểu là 40% chiều dài tuyến đường (có thể xác định cục bộ từng khu vực theo tỷ lệ này).

– Không gian cây xanh công cộng ven mặt nước phải đảm bảo bề rộng tối thiểu là 10m.

Khu vực phía Đông đường tỉnh 975

– Xây dựng các khu đô thị du lịch hỗn hợp phát triển mới, khu tái định cư và khu dân cư sinh thái nông nghiệp, khu trung tâm thể dục thể thao. Cơ cấu sử dụng đất theo quy mô các khu chức năng chính của một khu đô thị, bao gồm chủ yếu là quĩ đất dân dụng như đất đơn vị ở, đất công trình công cộng dịch vụ đô thị, đất cây xanh và đất giao thông.

– Tận dụng khu vực hiện trạng dân cư hiện hữu, một số khu vực địa hình thuận lợi nằm dưới chân các dãy núi Vô Hương, Núi Mắt Quỷ và núi Chùa để phát triển cải tạo chỉnh trang và mở rộng xây dựng mới.

Về giao thông:

– Khu vực được xác đinh bằng hệ thống không giao thông chính gồm tuyến tỉnh lộ 46 (đường Nguyễn Văn Cừ) và đường vòng đảo đường tỉnh 975 đi qua khu vực Bãi Trường, hiện tại tuyến DT 46 là trục xường sống chính của Đảo

– Tuyến ĐT 975 xuất phát từ trung tâm Dương Đông đi dọc bờ biển, tại vị trí phía Nam cầu Cửa lấp đi sát về phía chân dãy núi Mặt quỷ Dương Tơ, qua khu vực Suối lớn phía nam Bãi Trường và nối về Đất đỏ, An Thới. Đường vòng đảo là tuyến đường mang tính chất phục vụ du lịch, nối kết các khu du lịch- đô thị và các vùng sinh thái lớn trên đảo.

– Các trục ngang Đông – Tây là các trục hướng biển, phân các lớp không gian du lịch theo các hình thái tổ chức khác nhau.

– Từ đường tỉnh 975 vào phía chân núi còn nhiều quỹ đất thuận lợi xây dựng và thuận lợi tiếp cận với đường tỉnh 975 (trục chính theo hướng Bắc – Nam), đồng thời vừa có thể tiếp cận gần với khu du lịch theo các tuyến Đông – Tây, đề xuất phát triển tại đây các khu đô thị có vai trò hậu cần cho khu đô thị du lịch ở phía Tây đường.

– Hệ thống đường ngang được kết hợp với các dải cây xanh, tuyến đi bộ nối ra biển tại vị trí có các quảng trường biển, bãi tắm, khu dịch vụ công cộng, cầu thuyền du lịch… Điều chỉnh kết cấu mặt cắt của các đường chính Đông Tây này, qua đó, bỏ – không tổ chức dải phân cách giữa, thay vào đó, mở rộng vỉa hè để tăng không gian giao lưu và khuyến khích đi bộ, tổ chức đường đi xe đạp riêng.

Phân khu 3: Khu vực Bãi Ông Lang – Cửa Cạn

Vị trí: thuộc phạm vi hành chính xã Cửa Dương và Cửa Cạn, nằm về phía Bắc phường Dương Đông và có giới hạn như sau:

–  Phía Đông và phía Bắc: giáp vườn Quốc Gia Phú Quốc

–  Phía Nam giáp: giáp núi Gành Giờ và đường Búng Gội

–  Phía Tây: giáp bờ biển phía Tây

Tính chất: Là khu đô thị – du lịch hỗn hợp chính phía Bắc của thành phố, trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch, trung tâm giáo dục chuyên nghiệp và công nghệ cao.

Định hướng phát triển

Hệ thống giao thông:

Quy hoạch hệ thống đường giao thông đảm bảo cấu trúc mạng lưới đường của khu đô thị mở tại Bãi Ông Lang, cũng như kết nối giữa không gian trung tâm ven biển, không gian đô thị Đồng Cây Sao và khu đô thị Cửa Cạn.

Các tuyến giao thông và cấu trúc đô thị được tổ chức hội tụ về không gian quảng trường và không gian công cộng ven biển, ven sông nhằm nâng cao sức hấp dẫn và lan tỏa giá trị cảnh quan biển và sông vào sâu trong toàn khu đô thị du lịch.

Định hướng phát triển không gian:

– Tổ chức không gian quảng trường và dải công viên công cộng ven biển;

– Rà soát các khu vực cụ thể với việc chuyển đổi thành khu đô thị du lịch có cấu trúc mở, trên cơ sở xem xét các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, yêu cầu về cảnh quan kiến trúc theo từng khu vực và đảm bảo việc thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng quy chế quản lý riêng cho từng khu vực chuyển đổi;

– Tại khu vực đồng Cây Sao: quy hoạch khu sân golf, quy hoạch khu đô thị du lịch, tái định cư, trung tâm y tế, khu giáo dục chuyên nghiệp và công nghệ cao tại khu vực gần trục đường chính ĐT45;

– Phát triển mới khu đô thị khoa học Cửa Cạn, là đô thị trung tâm phía Bắc. Đô thị cần có cấu trúc mở, được sử dụng hỗn hợp, đa chức năng. Đảm bảo khoảng cách ly đối với khu vực hồ Cửa Cạn.

– Cải tạo, nâng cấp khu dân cư hiện hữu phía Bắc sông Cửa Cạn, bổ sung các chức năng xây dựng mới và cần tổ chức các điểm quảng trường và không gian công cộng ven sông và ven biển;

– Có giải pháp duy trì dòng chảy cho các cửa sông, đồng thời duy trì bãi tắm tại khu vực phát triển các dự án du lịch và tại khu vực đô thị ven biển.

Phân khu 4: Khu vực bãi Vòng

Vị trí: – Phía Nam khu vực xã Hàm Ninh
– Phía Bắc giáp: núi Suối Đá và rừng Quốc Gia;
– Phía Đông giáp: Biển;
– Phía Tây giáp: núi Suối Đá và cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc;
– Phía Nam giáp: dãy núi Bảy Rồng;

Quy hoạch Hàm Ninh đến năm 2040

Tính chất: Là khu dịch vụ du lịch hỗn hợp, khu nghỉ dưỡng kết hợp sân golf.

Định hướng phát triển

– Định hướng cảng Bãi Vòng trở thành cảng thương mại dịch vụ tổng hợp – có kết nối hiệu quả với sân bay quốc tế Phú Quốc.

– Phát triển khu vực phía Tây Nam đường tỉnh 48 thành khu đô thị du lịch hỗn hợp lấy không gian ven biển làm trung tâm.

– Phát triển khu đô thị sinh thái mật độ thấp gắn với sân golf phía Đông Bắc đường tỉnh 48 (chiều cao xây dựng tuân thủ quy định liên quan đến phễu bay).

– Nghiên cứu phát triển du lịch gắn với các hoạt động thể thao giải trí trên biển.

– Đảm bảo mật độ mạng lưới đường chính đô thị theo quy chuẩn về Quy hoạch Xây dựng.

Phân khu 5: Khu Bãi Sao

Vị trí: thuộc phường An Thới

–  Phía Bắc giáp Rạch Cầu Sấu;

–  Phía Nam giáp rừng phòng hộ;

–  Phía Đông giáp biển Đông;

–  Phía Tây giáp đường tỉnh 46.

Tính chất: Là khu đô thị du lịch hỗn hợp với cấu trúc mở, khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, khu thể thao biển.

Định hướng phát triển

– Quy hoạch khu vực Bãi Sao là khu đô thị du lịch hỗn hợp với cấu trúc mở – không cho phép làm hàng rào và cổng riêng cho các dự án có quy mô lớn hơn một ô phố. Không gian ven biển được tổ chức là công viên công cộng, đảm bảo các tuyến đường kết nối xuống khu vực công viên ven biển, tổ chức đường dạo và đường đi xe đạp đi dọc biển để liên kết không gian của tất cả các khu chức năng ven biển, nhưng không làm đường giao thông cơ giới chia cắt công viên.

– Quy hoạch xây dựng trung tâm đô thị gắn với công viên, quảng trường và không gian mở công cộng ven Rạch Cầu Sấu – là không gian mặt tiền đô thị chính của khu vực Bãi Sao, thực hiện mục tiêu ưu tiên tối đa các không gian ven mặt nước cho hoạt động công cộng, thu hút các hoạt động dịch vụ và làm tăng giá trị tổng thể của toàn khu vực. Dọc theo Rạch Cầu Sấu, khuyến khích tổ chức khu đô thị gắn với cấu trúc nước, thuận lợi cho thuyền và canô cá nhân tiếp cận, làm tăng sự đa dạng của các loại hình không gian đô thị và dịch vụ đô thị.

– Quy hoạch hệ thống giao thông đảm bảo kết nối giữa không gian trung tâm ven biển và không gian đô thị ven Rạch Cầu Sấu. Các tuyến giao thông và cấu trúc đô thị được tổ chức hội tụ về không gian quảng trường và không gian công cộng ven biển và ven Rạch Cầu Sấu, nhằm nâng cao sức hấp dẫn và lan tỏa giá trị cảnh quan biển và sông vào sâu trong toàn khu đô thị du lịch.

– Cấu trúc địa hình và cảnh quan núi trong khu vực đô thị cần được bảo tồn và khai thác để nâng cao giá trị và tạo bản sắc cho đô thị:

+  Các khu vực kề cận chân núi được tổ chức theo cấu trúc đồng điệu với hình thái triền núi, không san gạt, chặt phẳng quỹ đất chân núi để làm mặt bằng xây dựng, mà cần phải khác khai thác địa thế tự nhiên để tổ chức cảnh quan đô thị tựa núi, thấp dần theo sườn núi. Tổ chức các trục đô thị có tầm nhìn khai thác cảnh quan núi;

+  Tổ chức các điểm ngắm cảnh công cộng tại một số điểm trên đỉnh núi và sườn núi có tầm nhìn đẹp;

+  Tổ chức các dải công viên cây xanh, quảng trường công cộng và đường đi xe đạp đan xen qua các khu chức năng, hướng ra khu vực núi và biển, đồng thời kết nối không gian cảnh quan núi và không gian ven biển. – Cải tạo chỉnh trang khu vực dân cư dọc đường tỉnh 46. Tổ chức tái định cư tại chỗ cho các hộ dân bị di dời. Gắn kết các khu tái định cư với không gian phát triển của các khu chức năng mới, để không chỉ người dân bị tái định cư có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, mà chính các cộng đồng dân cư hiện hữu sẽ làm tăng thêm sức sống và giá trị cho các không gian phát triển mới.

Phân khu 6: Khu vực An Thới

Vị trí: thuộc phường An Thới;

– Phía Bắc giáp khu vực Bãi Trường;

– Phía Tây và phía Nam giáp biển Đông;

– Phía Đông giáp đường tỉnh 46.

Tính chất: Là khu đô thị – du lịch hỗn hợp chính, khu đô thị cảng, thương mại, dịch vụ du lịch; trung tâm văn hóa, gìn giữ giá trị lịch sử.

Định hướng phát triển

– Khai thác không gian mặt nước biển, cải tạo bãi Đất Đỏ thành bãi tắm gắn với công viên – quảng trường công cộng; Tổ chức dãy phố tiếp giáp trực tiếp với công viên, quảng trường và không gian công cộng ven biển (đường giao thông cơ giới nằm về phía Đông của dãy phố ven biển), nhưng vẫn phải đảm bảo tổ chức quảng trường trung tâm và các khu vực kết nối giữa công viên và bãi tắm với đường cơ giới, để đảm bảo cho người dân và du khách thuận lợi tiếp cận sử dụng, đồng thời khu vực công viên ven biển phát huy được vai trò là công viên trung tâm của khu đô thị.

– Lựa chọn các quỹ đất tiếp giáp với không gian cây xanh mặt nước và thuận lợi về giao thông để tổ chức các khu trung tâm đô thị.

– Phía Tây Nam: kết nối với khu vực cáp treo và quần thể khu vui chơi giải trí biển Hòn Thơm – Phú Quốc. Để thuận lợi cho hoạt động của khu vực ga đi của cáp treo, tránh sự quá tải vào các mùa cao điểm, tổ chức khu đô thị dịch vụ cửa ngõ vào khu vực ga đi, với nhiều không gian quảng trường công cộng, các điểm ngắm cảnh và dịch vụ ven biển. Trong tổ chức không gian của khu vực này cần chú trọng khai thác và nhấn mạnh giá trị của cấu trúc địa hình núi ven biển, tạo hướng mở và kết nối từ trên núi ra biển.

– Bổ sung hệ thống không gian cây xanh và không gian mở trong khu đô thị, để đảm bảo chất lượng đô thị du lịch.

– Đối với các khu dân cư hiện hữu duy trì, cải tạo, chỉnh trang một số khu dân cư hiện trạng có mật độ tương đối tập trung, hạn chế quy mô di dời dân cư ở mức tối thiểu.

– Cải tạo, nâng cấp, mở rộng cảng An Thới. Bổ sung một số không gian phát triển mới để bổ sung không gian dịch vụ cho khu vực cảng và gia tăng động lực phát triển cho phường An Thới hiện hữu.

Phương án quy hoạch sử dụng đất

– Đối với các khu dân cư hiện hữu, đề xuất 02 phương án quy hoạch như sau:

+ Phương án 1: Theo đề xuất của UBND TP. Phú Quốc, chỉ duy trì hiện trạng cải tạo, chỉnh trang một khu dân cư nằm phía Tây đường tỉnh lộ 46, trong phạm vi 100m, tính từ lộ giới đường phía Tây; Xác định khu nhà ở xã hội, khu tái định cư phục vụ cho dự án cải tạo, mở rộng cảng và nâng cấp hạ tầng trong phường An Thới hiện hữu (tại khu vực phía tây đường tỉnh lộ 46) để tăng tính khả thi cho những dự án quan trọng này.

+ Phương án 2: Duy trì, cải tạo – chỉnh trang khu dân cư tập trung khá đông đúc từ ngã 3 đường TL46 giao với đường chính đi vào Bãi Đất Đỏ, hạn chế quy mô di dời dân cư ở mức tối thiểu.

Phân khu 7: Khu vực Vịnh Đầm

Vị trí: tại xã Dương Tơ

Phía Bắc giáp: Dự án khu du lịch sinh thái – văn hóa;

Phía Nam giáp: Rạch Cầu Sấu và rừng phòng hộ;

Phía Đông giáp: Biển;
Phía Tây giáp: Đường tỉnh 973

Hiện trạng quy hoạch khu vực vịnh đầm

Tính chất: Là khu dịch vụ du lịch tổng hợp, khu đô thị du lịch hỗn hợp, giải trí du lịch biển; khu tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ hậu cần cảng
Định hướng phát triển
– Phát triển khu đô thị gắn hỗ trợ khu cảng – thương mại dịch vụ tổng hợp. Trong khu vực cảng yêu cầu bổ sung bố trí quỹ đất nhà ở công dân, phục vụ cho khu cảng.
– Cung cấp các tuyến đường tiếp cận và dịch vụ hiệu quả cho khu cảng, tạo cơ hội cho các dự án phát triển hỗn hợp thân thiện với người sử dụng.
– Nghiên cứu khả năng phát triển, xây dựng trên biển, kết nối với không gian cảng Vịnh Đầm. Yêu cầu đề xuất các điều kiện liên quan đến các tác động của khu vực lấn biển cần được xem xét, đánh giá ở giai đoạn lập quy hoạch tiếp theo.
– Đề xuất các chiến lược giảm thiểu tiếng ồn đối với khu vực lân cận của cảng công nghiệp.
– Kết nối trung tâm đô thị hỗn hợp với hệ thống giao thông công cộng chuyên chở khối lượng lớn.

Phân khu 8: Khu vực Bãi Khem và Mũi Ông Đội

Vị trí: thuộc phường An Thới;

–  Phía Bắc giáp rừng phòng hộ;

–  Phía Nam giáp khu vực quân sự phường An Thới;

–  Phía Đông giáp biển Đông;

–  Phía Tây giáp đường tỉnh 46.

Tính chất: Là khu dịch vụ du lịch; khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, thể thao biển

Định hướng phát triển

– Cập nhật các dự án đã triển khai.

– Không gian ven biển được tổ chức là công viên gắn với bãi tắm công cộng, đảm bảo tuyến đường kết nối xuống khu vực công viên ven biển, tổ chức đường dạo và đường đi xe đạp đi dọc biển; để đảm bảo tính chất khu công viên gắn với bãi tắm là không gian công cộng ven biển, thuận lợi tiếp cận sử dụng cho mọi người dân và du khách. Không xây dựng cổng, hàng rào đóng kín với khu vực này.

– Nghiên cứu khả năng phát triển, xây dựng trên biển tại khu vực phía Đông Nam để phát huy giá trị đặc trưng và bản sắc đô thị biển đảo, nhưng phải được đánh giá đầy đủ các tác động đến môi trường sinh thái, cũng như hiệu quả phát triển. Tính chất của khu vực sẽ được xác định cụ thể trong các giai đoạn quy hoạch tiếp theo, có thể bao gồm các chức năng chính: đô thị, dịch vụ du lịch… và các chức năng khác phù hợp. Nghiên cứu định hướng kết nối giao thông với khu vực đất liền.

Phân khu 9: Khu vực ven biển phía Đông

Vị trí: thuộc xã Bãi Thơm, có giới hạn như sau: – Phía Bắc: giáp đường tỉnh 973
– Phía Nam: Núi Suối đá
– Phía Đông: Giáp biển Đông

– Phía Tây: Giáp vườn Quốc Gia Phú Quốc

Tính chất: Là khu dịch vụ du lịch, khu đô thị – du lịch hỗn hợp, khu nghỉ dưỡng sinh thái; khu giải trí thể thao biển, sân golf

Định hướng phát triển:

– Phát triển các khu dịch vụ du lịch, đảm bảo không gian kết nối với các quảng trường công cộng ven biển. Phát triển một số khu vực theo hướng khu đô thị du lịch hỗn hợp;

– Cải tạo, chỉnh trang và nâng cấp chuỗi không gian xây dựng hiện hữu, nằm phía Đông TL48, trong đó có thể đan xen các chức năng xây dựng mới và cần tổ chức các điểm quảng trường và không gian công cộng ven biển.

Phân khu 10: Khu vực ven biển phía Bắc

Vị trí: nằm trong ranh giới xã Gành Dầu, có giới hạn như sau:

– Phía Bắc: giáp biển Đông
– Phía Nam: Giáp vườn Quốc Gia Phú Quốc – Phía Đông: Giáp biển Đông
– Phía Tây: Giáp vườn Quốc Gia Phú Quốc

Tính chất: Là khu đô thị du lịch hỗn hợp; khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, kết hợp tham quan rừng; khu bảo tồn sinh vật biển.

Định hướng phát triển

– Nghiên cứu phát triển đô thị du lịch trên biển với cấu trúc có giá trị cảnh quan cao, phát huy được giá trị đặc trưng của đô thị gắn với nước.

– Phát triển các khu dịch vụ du lịch, khu đô thị du lịch hỗn hợp, lấy không gian ven biển làm trung tâm.

– Khu vực Rạch Tràm: Khu vực lùi phía sau (về phía rừng quốc gia) cần duy trì công viên sinh thái tự nhiên; Các dự án đã được chấp thuận chủ trương sâu vào theo Rạch Tràm cần có mật độ xây dựng thấp, bảo tồn cảnh quan sinh thái tự nhiên.

Phân khu 11: Khu vực ven biển phía Tây Bắc

Vị trí: nằm trong ranh giới xã Gành Dầu, có giới hạn như sau:

– Phía Bắc: Giáp vườn Quốc Gia Phú Quốc

– Phía Nam: Giáp vườn Quốc Gia Phú Quốc

– Phía Đông: Giáp vườn Quốc Gia Phú Quốc

– Phía Tây: Giáp biển Đông

Tính chất: Là khu đô thị – du lịch hỗn hợp; khu nghỉ dưỡng cao cấp, giải trí sân golf gắn với các khu resort, thể thao biển

Định hướng phát triển

– Cập nhật các dự án trong khu vực.

– Tổ chức khu đô thị trên cơ sở cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và bổ sung chức năng mới tại vị trí đối diện với khu du lịch Vũng Bầu qua bên kia đường trục chính, để hỗ trợ cho hoạt động của các khu du lịch.

– Quy hoạch sân golf tại khu vực Bãi Vũng Bầu.

Phân khu 12: Khu vực quần đảo Nam An Thới

Vị trí: Nằm ở phía Nam đảo Phú Quốc, thuộc phường An Thới.

Tính chất: Là khu dịch vụ du lịch, khai thác tổ chức các hoạt động tham quan, ngắm cảnh, bảo tồn môi trường biển; giải trí biển

Định hướng phát triển

– Phát triển quần đảo Nam An Thới thành không gian dịch vụ du lịch, khai thác tổ chức các hoạt động tham quan, ngắm cảnh, để bổ sung thêm các sản phẩm du lịch đặc sắc.

– Tổ chức khu dân cư và dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm dừng chân trên biển của tuyến du lịch ngắm cảnh tại Hòn Rỏi, Hòn Mây Rút và Hòn Xưởng.

– Tổ chức các điểm dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng tại Hòn Vuông và Hòn Gầm Ghì.

Trên đây là hiện trạng và định hướng quy hoạch 12 phân khu trong quy hoạch Phú Quốc đến năm 2040. Tôi cũng có bài viết vắn tắt về chủ đề này trước đây. Bạn có thể truy cập xem qua

Nếu bạn quan tâm đến Bất động sản Phú Quốc thì quy hoạch này rất quan trọng trong chiến lược đầu tư của các bạn. Nếu cần kiểm tra quy hoạch mới thì gọi chúng tôi qua 0912746538 nhé.

Anh em lưu ý đây vẫn là dự thảo và thời điểm tới sẽ công bố sẽ cụ thể và chi tiết hơn nhé, còn hiện tại vẫn sử dụng các bản quy hoạch hiện hành 486, 1/2000 các phân khu … Do đó anh em dùng với mục đích tham khảo nhé.

KHOA VŨ

CEO Ngôi Nhà Phú Quốc

Ngoc Khoa Villas

Tôi là Ngoc Khoa Villas, Admin của PhuQuocHome.Vn , hi vọng rằng nội dung tại Website này hữu ích đối với bạn, nếu bạn muốn ký gửi hoặc đặt hàng BĐS Phú Quốc có thể liên hệ với tôi qua 0912746538. Tài khoản VPBank: 164321258 - VU NGOC KHOA